Thương hiệu “Cá sông Đà Sơn La”

Thương hiệu “Cá sông Đà Sơn La”

Khi công trình thủy điện Sơn La hoàn thành, đã tạo ra diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà rộng khoảng 25.000 ha. Khai thác lợi thế này, các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đã đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng thương phẩm. Cá được nuôi thả trong môi trường tự nhiên theo quy trình VietGAP, nên thịt săn chắc, thơm ngon, bán được giá hơn so với nuôi ở vùng khác, giúp nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Phí Hải Vân, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai).

Tất bật thu hoạch cá bán cho thương lái ở thành phố Sơn La và tỉnh Điện Biên, anh Phí Hải Vân, thành viên HTX An Bình, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) phấn khởi nói: Hiện, gia đình tôi có 26 lồng cá rô phi, trắm đen, cá lăng và 1 lồng nuôi cá tầm. Năm 2020, xuất bán trên 30 tấn cá, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Hiện tại, còn khoảng gần 10 tấn cá thương phẩm để phục vụ Tết Nguyên đán. Thành quả nỗ lực cả năm để đón tết này sung túc hơn. Tiếp tục dẫn chúng tôi đến thăm lồng cá tầm nuôi thử nghiệm từ tháng 4/2020, anh Vân bảo: Khi mới thả cá giống chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay, nay đã có con nặng 2 kg. Dự tính, đến tháng 5/2021, hơn 1.000 con cá tầm sẽ được xuất bán, chỉ với giá bán đổ trung bình khoảng 180.000 đồng/kg, anh sẽ thu về nửa tỷ đồng.

Tiếp tục xuôi về phía hạ lưu sông Đà, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi cá lồng của xã Chiềng Lao (Mường La). Năm 2005, thực hiện di dân TĐC thủy điện Sơn La, xã Chiềng Lao có 1.330 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới. Khi công trình thủy điện Sơn La tích nước, xã có trên 6.000 ha mặt nước tại 11 bản vùng lòng hồ. Khai thác lợi thế này, một số hộ dân các bản: Tà Sài, Nhạp, Nà Noong và bản Cun đã đầu tư nuôi cá lồng thương phẩm. Các hộ nuôi cá được hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng theo Nghị quyết số 88 của HĐND tỉnh. Nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cá phát triển tốt, thu nhập bình quân 25 triệu đồng/lồng/năm. Đến nay, xã có 2 hợp tác xã, 76 hộ nuôi cá lồng, với 290 lồng cá.

Anh Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh, bản Tà Sài, là một trong những hộ nuôi cá lồng tiêu biểu của xã Chiềng Lao. Sau 5 năm nuôi cá lồng, hiện anh Siêng là chủ nhân của 15 lồng cá trắm, rô phi, lăng, chép, sản lượng mỗi năm đạt 500 kg/lồng, thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhận thấy phát triển đơn lẻ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tháng 5/2016, anh tham gia HTX Bình Minh và được tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc HTX. Anh Siêng cho biết: Thời gian tới, HTX sẽ giảm nuôi các loại cá truyền thống, tập trung nuôi và cung ứng các sản phẩm cá đặc sản theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình VietGAP để nâng cao hơn nữa thu nhập cho thành viên.

Cá tầm Sơn La

Ông Dương Văn Biểng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển nuôi trồng thủy sản, hiệu quả rõ nét nhất là, đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; cơ bản hình thành và nhân rộng một số mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao, như: Cá tầm, cá chiên, cá lăng, trắm đen… Tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX hình thành và phát triển 17 chuỗi cung ứng cá các loại an toàn, quy mô 2.609 lồng, sản lượng 1.027 tấn để cung cấp cho thị trường trong nước. Đến nay, nuôi cá lồng đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân, đem lại thu nhập ổn định từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt trên 120 triệu đồng; gần 100 lượt doanh nghiệp, HTX và trên 100 hộ gia đình tiêu biểu hoạt động lĩnh vực thủy sản. Đặc biệt, năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và trao Bằng chứng nhận nhãn hiệu “Cá sông Đà – Cá tầm Sơn La” cho tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” cho 10 HTX và 1 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, Mường La và Thuận Châu.

“Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy mô tập trung, bền vững, hiệu quả và tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu, phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 có sản phẩm thủy sản xuất khẩu; đưa Sơn La trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Tây Bắc”.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trọng tâm là xây dựng chương trình, tổ chức xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; khai thác hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Cá sông Đà – Sơn La (gồm 7 loại cá: Chày, chép, lăng, nheo, chiên, trắm cỏ, trắm đen) và sản phẩm cá tầm Sơn La; Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong ngành thủy sản, gắn việc đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người dân theo hướng: Doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ, người dân liên kết nuôi trồng, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản.

Với chủ trương đúng, trúng và chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, đã tạo đà cho nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà tiếp tục phát triển cả quy mô và chất lượng. Danh sách những cá nhân khởi nghiệp thành công trên lòng hồ sông Đà ngày càng nhiều, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

(Theo Báo Sơn La)

Trả lời