Quỳnh Nhai (Sơn La): Triển vọng làm giàu từ nuôi cá lồng

Quỳnh Nhai (Sơn La): Triển vọng làm giàu từ nuôi cá lồng

Huyện Quỳnh Nhai là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La phải thực hiện cuộc đại di dân để xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La. Bên cạnh những vất vả mưu sinh khi về vùng đất mới, nhờ tận dụng lợi thế lòng hồ thủy điện nuôi cá lồng, sau 16 năm cuộc sống của các hộ dân tái định cư trên quê hương thứ hai đang bắt đầu khởi sắc.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX Hợp Lực ở xã Chiềng Ơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cách đây 16 năm, huyện Quỳnh Nhai giống như một công trường khổng lồ, vận hành nhịp nhàng, với sự đồng sức, đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân. Tháng 4/2010, huyện Quỳnh Nhai hoàn thành di chuyển 8.435 hộ dân thuộc 9 xã 99 bản, ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện, đạt 100% số hộ trong diện di chuyển an toàn về người và tài sản. Tại thời điểm đó, người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu kế mưu sinh do chưa quen với việc chuyển đổi các mô hình sản xuất…

Trước khó khăn đó, huyện tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn để định hướng cho người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho người dân. Điểm nhấn là, từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2010, huyện triển khai nuôi thí điểm 20 lồng cá trên lòng hồ Thủy điện Sơn La. Từ thí điểm ban đầu, mô hình nuôi cá lồng ngày càng được nhân rộng. Tận dụng lợi thế hơn 10.000ha lòng hồ Thủy điện Sơn La, huyện đã tranh thủ nguồn vốn của Chương trình 30a để phát triển nuôi cá lồng tại địa bàn 8 xã, trong đó có xã Cà Nàng, Mường Chiên, Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Bằng…. Từ đây, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu.

Hiện nay, đã có gần 10.000 hộ dân trên địa bàn các xã vùng hồ phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sơn La. Toàn huyện đã có 46 hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản, với tổng số 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 2.600 tấn thủy sản/năm; 10 HTX và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Anh Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc HTX Hợp Lực cho biết: Thấy mô hình nuôi cá lồng bè hiệu quả và có nhiều triển vọng, năm 2015, anh cùng một số hộ dân đăng ký tham gia nuôi cá lăng, cá trắm, cá tầm…; kết quả đã giúp gia đình có thu nhập khá. Hiện gia đình anh có khoảng 200 lồng cá, trung bình mỗi năm xuất bán trên 400 tấn cá, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập 4 – 5 triệu đồng.

Còn tại xã Cà Nàng là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của huyện Quỳnh Nhai, đời sống của người dân đã khá hơn trước, cũng một phần nhờ thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La. Hiện nay, toàn xã có 65 lồng với các loại cá trắm, chép, rô phi…

Được biết, hiện UBND huyện Quỳnh Nhai phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thành công bố chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cá vùng lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai; định hướng phát triển mô hình HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các HTX… giúp ổn định đầu ra cho người dân yên tâm sản xuất.

(Theo Báo Dân tộc)

Trả lời